Trung thu trong miền ký ức xưa

Nếu không có dịch bệnh, không khí của phố phường những ngày này đã rất rộn ràng bởi tiếng trống lân, bởi màu sắc rực rỡ của những quầy hàng phục vụ cho Tết trung thu. Thế nhưng, mỗi dịp Trung thu về, có lẽ trong mỗi một chúng ta đều sẽ có cho mình những cảm xúc thật đặc biệt ...

Với mỗi một đứa trẻ nhỏ, Trung thu luôn mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Tôi ngày đó cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ. Mỗi lần nghe ai đó nhắc đến cụm từ “sắp đến Trung thu rồi” thì trong lòng tôi lại trào dâng những cảm xúc thật khó tả. Rồi tôi đếm từng ngày, từng ngày một… Tôi mong chờ Trung thu không chỉ để được thưởng thức những chiếc bánh trung thu, được  cầm trên tay chiếc đèn ông sao, theo chân các đoàn lân đi khắp xóm, được ba mẹ dẫn đi phá cỗ đêm trăng…mà tôi mong chờ đến trung thu để được cùng bạn bè làm những món đồ chơi mà mình yêu thích như làm đèn ông sao, làm đầu lân, làm mặt nạ…Những mùa trung thu trôi qua với những món đồ chơi này luôn để lại những kỷ niệm thật đẹp cho tôi và những đứa trẻ vùng nông thôn ngày đó. 


(Ảnh minh họa: Internet)

Tôi nhớ lại hình ảnh của một nhóm con nít, tụm ba tụm bảy, cắt cắt rồi lại dán dán. Vâng đó chính là tôi và những đứa bạn hàng xóm. Nếu với mấy đứa con trai, trung thu đến tụi nó bắt tay làm những chiếc đầu lân rồi làm đuôi để đi nhảy các nhà trong xóm, thì những đứa con gái như chúng tôi lại dành tâm huyết cho những chiếc đèn ông sao. Sau giờ tan học, chúng tôi lại đến nhà chú Chạy, một gia đình làm vành nón lâu năm của xóm. Nhà chú có rất nhiều thanh ruột cây nứa bị tách ra trong quá trình chẻ vành. Bình thường thấy vợ chú vẫn hay dùng nó thay củi mỗi lúc nấu ăn. Vì vậy,mỗi lần chúng tôi sang chú đều cho lấy thỏa thích. Sau khi xin xong chúng tôi bó thành bó rồi cùng nhau vận chuyển qua nhà anh Rin. Anh Rin là anh cả của chúng tôi, lúc đó anh đang học cấp ba. Anh Rin không chỉ học giỏi, thỉnh thoảng còn làm gia sư bất đắc dĩ cho chúng tôi mà anh Rin còn rất khéo tay, đặc biệt là làm sườn cho những chiếc đèn ông sao. Chỉ chờ chiếc sườn nào hoàn thành là chúng tôi liền cắt giấy màu rồi dán lên. Có chiếc đèn thì chỉ có một màu, nhưng cũng có những chiếc đèn mỗi cạnh là một màu khác nhau. Chỉ mất khoảng ba buổi chiều tranh thủ sau giờ học, là bọn tôi đứa nào cũng có cho mình một chiếc đèn ông sao, nhìn rất thích mắt.

Ngày đó chúng tôi không chỉ làm đầu lân, làm đèn ông sao, mà chúng tôi còn biết làm mặt nạ. Chúng tôi bắt chước theo những chiếc mặt nạ của Tôn ngộ không trong các đoàn nhảy lân để làm theo. Nếu mặt nạ của các anh đó bằng nhựa, thỉnh thoảng có mấy mặt nạ còn gắn đèn chớp đỏ thì mặt nạ của bọn tôi chỉ được làm bằng những tờ giấy bìa. Sau khi chọn một đứa khéo tay nhất trong hội vẽ ra chiếc mặt nạ, thì chúng tôi bắt đầu đồ theo rồi cắt rồi khoét mắt. Công đoạn quan trọng nhất đó là vẽ mũi, miệng và vẽ râu cho giống Tôn ngộ không. Mỗi đứa một ý tưởng, thỏa sức sáng tạo. Công đoạn cuối đó chính là cắt một sợi dây thun, cột vào hai bên mặt nạ. Vừa đeo vào, vừa đưa tay lên trán, lại còn gãi gãi, thấy chúng tôi cũng không khác Tôn ngộ Không là mấy. Chúng tôi nhìn nhau cười thích thú. 

Trung thu của những đứa trẻ vùng quê tôi ngày đó là vậy, đơn giản lắm. Để rồi mỗi lần được hoài niệm lại không khí của những mùa Trung thu trước, trong tôi vẫn luôn là một cảm giác ấm áp và một niềm vui không thể gọi thành tên. 

                                                            
                                                                                             Ánh Nguyệt