Sôi động lễ hội cầu ngư của người dân miền biển
Lễ hội cầu ngư làng Thai Dương Hạ (xã Hải Dương, TP Huế) đã diễn ra vào sáng sớm 01/02 (tức 11 tháng Giêng Âm lịch) thu hút rất đông người dân và du khách khắp nơi về tham dự.
Lễ hội cầu ngư tồn tại hàng trăm năm được tổ chức để tỏ lòng nhớ ơn vị khai canh làng là Trương Quý Công (hay còn gọi là Trương Thiều). Nhờ có ông mà người dân nơi đây biết đến nghề đánh cá và giao thương buôn bán hải sản cho các vùng lân cận.
Theo truyền thống 3 năm một lần (tam niên đáo lệ), lễ hội được tổ chức long trọng với nhiều hoạt động như: kéo co, phát khăn đỏ, nghinh Thần hoàng quanh làng, hát bộ,... Đúng ngày lễ chính diễn trò cầu ngư được tái hiện trước sân đình (gồm các tiết mục như chèo thuyền ra khơi, câu cá, bủa lưới, mua bán tôm cá,...).
Mở màn lễ cầu ngư, cụ già đại diện dân làng thắp hương cầu nguyện năm mới sau đó đánh ba hồi trống. Dứt tiếng trống, một người đàn ông trung niên mặc lễ phục màu đỏ đi kèm có hai thuyền trưởng tàu đánh cá đầu bịt khăn đỏ, mặc trang phục dân chài lưới. Trống lệnh lại gióng lên báo hiệu hoạt cảnh diễn ra. Một vị cao tuổi rải kẹo bánh xuống sân đình cho trẻ em – lúc này được hoá trang thành cá, mực, tôm cúi xuống nhặt.
Tiếp đến các chàng trai cao to lực lưỡng khiêng một chiếc thuyền bằng tre được trang trí màu sắc rực rỡ, trên ghe có người quăng lưới bắt “tôm, cua” trong âm thanh náo nhiệt của những làn điệu hò. Tiếng trống tiếp tục vang lên báo hiệu việc mua bán hải sản bắt đầu, các chủ thuyền chọn vài “con cá” đến trước bàn thờ làm lễ. Số cá còn lại những người phụ nữ sẽ thu mua biếu các hương thân phụ lão.
Hình thức diễn trò là một trong những nghi lễ cổ truyền của dân tộc, nêu cao ý thức “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Theo ông Đào Thống - Trưởng BTC cho biết lễ hội cầu ngư là dịp để nhớ đến công ơn những bậc tiền nhân khai canh của làng, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mọi người sức khỏe để chuẩn bị cho mùa vụ sắp đến. Đây còn là dịp để những người con xa quê được chiêm ngưỡng nét văn hóa truyền thống và nhớ về nguồn cội tổ tiên.
Sau hình thức diễn trò đặc sắc, lễ hội tiếp nối bằng cuộc đua ghe truyền thống trên phá Tam Giang với các đội đua: Ngư Mỹ Thạnh, Xuân Hòa, Hà Đồ, Thanh Hà, An Cựu, Phú Thuận, Thủ Lễ và Quảng Hòa. Tiếng trống hòa cùng tiếng reo cổ vũ của hàng nghìn người khiến không khí thêm phần náo nhiệt, vui tươi. Cuộc đua diễn ra với các độ: độ cúng, độ tiền và độ Thái Bình.
Ngay sau lễ hội cầu ngư, các đội thuyền đánh cá của làng làm chuyến xuất quân đi biển đầu năm. Có thể nói, lễ hội cầu ngư ở làng Thai Dương Hạ phản ánh đời sống đạo đức, trí tuệ, tinh thần của ngư dân vùng biển được phác hoạ một cách đầy đủ và sâu sắc; đồng thời là nét văn hóa dân gian truyền thống được tổ chức quy mô, hấp dẫn và độc đáo. Bên cạnh đó, còn giúp những người ngư dân an tâm bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo. Đồng thời những người con xa quê có dịp trở về thăm quê hương, du khách được biết đến nét đẹp của miền biển mỗi dịp đầu xuân mới.
Tờ mờ sáng, khu vực tổ chức lễ cầu ngư làng Thai Dương Hạ đã có rất đông người tập trung để xem diễn trò
Chiếc ghe dùng để diễn trò được trang trí bắt mắt
Trẻ em hóa thân thành tôm, cá, mực
Lễ hội cầu ngư diễn ra trong khống khí phấn khởi, tươi vui
Các bậc cao niên trong làng tiến hành dâng hương
Rất đông người dân địa phương và du khách tề tựu về đây
Những động tác điêu luyện, thuần thục mô tả cách đánh bắt hải sản của người ngư dân
Cảnh quây lưới bắt tôm cá diễn ra sinh động
Không khí lễ hội cực kỳ sôi động, náo nhiệt
Sau phần diễn trò, BTC tiến hành tặng cờ lưu niệm cho các đội tham gia giải đua ghe
Cuộc đua diễn ra với các độ: độ cúng, độ tiền và độ Thái Bình với sự tham gia của 8 đội
Nhanh chóng bứt tốc để giành lợi thế ngay khi xuất phát
Các đội đua thể hiện quyết tâm cao khi lộn vè về đích
Những bước chạy thật nhanh để mang lại chiến thắng cho đội đua của mình
BTC tiến hành trao phần thưởng cho các đội đua về đích ở giải cúng
Xuân Đạt