Lễ tế Âm hồn tưởng nhớ ngày Thất thủ Kinh đô

Sáng sớm 11/7 (24/5 Âm lịch) tại Miếu Âm hồn (TP Huế), Trung tâm BTDT Cố đô Huế tổ chức lễ tế Âm hồn tưởng nhớ những nghĩa sĩ và đồng bào đã tử vong trong sự kiện Thất thủ Kinh đô Huế 138 năm về trước.

Theo sách “Đại Nam thực lục”, rạng sáng 23/5 năm Ất Dậu (05/7/1885), Thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết chỉ huy binh lính nhà Nguyễn tấn công bất ngờ vào các nơi đóng quân của Pháp là đồn Mang Cá và Tòa Khâm bên sông Hương. Sau những phút đầu làm quân Pháp bất ngờ nhưng do quân ta với vũ khí thô sơ, số lượng chênh lệch nên nhanh chóng bị đàn áp. Hàng nghìn người gồm quan lại, binh lính, dân thường,... do giẫm đạp, trúng đạn khi chạy loạn nằm chết la liệt trên các con đường trong và ngoài thành. Vua Hàm Nghi buộc phải rời khỏi Huế; năm 1888, Pháp bắt được vua Hàm Nghi và đày sang Algerie.


Lễ tế Âm hồn tưởng nhớ những nghĩa sĩ và đồng bào đã tử vong trong sự kiện Thất thủ Kinh đô Huế 138 năm về trước

Đàn Âm hồn được triều đình nhà Nguyễn lập năm 1894, dưới triều vua Thành Thái. Đây là nơi thờ tự, cúng tế vong linh các quan viên, binh lính, đồng bào tử nạn trong biến cố thất thủ kinh đô Huế.


Vật phẩm được bày biện trang trọng gồm tam sanh (trâu, dê, lợn), giấy tiền vàng mã, trái cây,…

Lễ tế đàn Âm hồn gồm các nghi lễ: Lễ Quán tẩy; Lễ Thướng hương; Lễ Sơ hiến tửu (dâng rượu lần đầu); Lễ Đọc chúc; Lễ Hành Á hiến (dâng rượu lần thứ hai); Lễ chung hiến (dâng rượu lần thứ ba); Lễ Dâng trà; Lễ Hóa văn tế. Lễ vật ngoài tam sanh (trâu, dê, lợn), giấy tiền vàng mã, trái cây,... bao giờ cũng phải có đĩa cơm nắm, ấm nước chè xanh rất to vì năm đó là mùa hè và một bếp lửa để sưởi ấm vì nhiều người chết vùi dưới sông hồ, hào nước bao quanh kinh thành.


Lễ tế Âm hồn đề cao giá trị nhân văn, mang nặng nghĩa tình đồng bào của vùng đất Cố đô

Lễ tế đồng bào, chiến sĩ vong mạng trong biến cố thất thủ kinh đô được tái hiện theo đúng nghi thức dưới triều Nguyễn; đề cao giá trị nhân văn, mang nặng nghĩa tình đồng bào.

Xuân Đạt