Văn hoá dựng nêu ngày Tết
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Hình ảnh cây nêu được coi là một trong những biểu tượng thiêng liêng nhất của ngày Tết. Nó là biểu tượng của cây vũ trụ nối liền Trời với Đất, chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp, với mong muốn xua tan vận hạn của năm cũ, cầu mong an lành, hạnh phúc đến với mọi người trong năm mới. Đồng thời, cây nêu còn là sự hiện thân giữa cái thiện và cái ác, của lòng hướng thiện. Vì thế, từ xa xưa, người dân đã có tục dựng cây nêu trong dịp Tết Nguyên đán.
Cứ vào sáng cuối cùng của tháng Chạp, đình làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, TP Huế) lại rộn ràng khi các cụ cao niên thực hiện nghi thức dựng nêu đón Tết.
Ngay từ sáng sớm, dù thời tiết mưa phùn giá lạnh nhưng lễ dựng cây nêu được tiến hành một cách trang trọng, các bước thực hiện đều được các cụ tuân theo nghi thức có từ xưa. Cây tre để dựng nêu có màu xanh đậm, cao khoảng 6 mét. Tre dùng làm nêu thường được chọn từ cây tre thật già, chiều cao phù hợp, có thân to, thẳng, các đốt đều nhau và trên ngọn giữ lại cành và lá. Tiêu chuẩn lựa chọn cây tre làm nêu thường là nguyên một đoạn, không tách rời bởi theo quan niệm dân gian, cây nêu không có ngọn sẽ mang lại xui xẻo.
Theo ông Trần Đại Sấm - Trưởng Ban nghi lễ làng Dương Nỗ cho biết đây là nghi thức được làng duy trì từ xưa chừ, các bậc cao niên luôn gìn giữ, truyền từ đời này sang đời khác về phong tục tốt đẹp này. Dựng nêu chúc cho người dân năm mới may mắn, gặp nhiều điều tốt lành và quan trọng là để con cháu biết và hiểu thêm tục lệ xa xưa của làng.
Trước khi dựng nêu, ông Trần Đại Sấm tay cầm lư trầm xông khắp thân cây nêu. Ở phía ngọn được treo lên bọc vải màu đỏ, bên trong là áo binh, giấy tiền vàng mã, cháo, muối,… Sau khi dựng xong, ngọn cây nêu được hướng về phía Đông - biểu thị cho sự khởi đầu mừng năm mới sắp đến. Việc gia cố gốc nêu được làm cẩn thận, từ chêm gạch cho đến ốp các thanh gỗ và xung quanh gốc được cột bằng dây thép.
Ở các làng quê, Tết Nguyên đán mở đầu cho một năm mới nên các nghi lễ về tâm linh luôn được coi trọng: cúng tất niên, cúng đầu năm,… được tổ chức trang nghiêm, thành kính và có ban trị sự để chăm lo các công việc; lễ dựng nêu cũng không ngoại lệ.
Sau ngày Xuân thủ (14 tháng Giêng), làng tiến hành làm lễ hạ nêu. Từ khi cây nêu được hạ xuống thì mọi công việc trong làng mới trở lại bình thường.
Các vị cao niên chuẩn bị vật phẩm để treo trên ngọn nêu
Dâng hương các vị Thành Hoàng làng trước khi tiến hành nghi thức dựng nêu
Tuy mưa phùn lạnh giá nhưng các nghi thức được thực hiện trang trọng, thành kính
Cây nêu được vác trên vai
Ở phía ngọn cây được treo lên bọc vải màu đỏ, bên trong là áo binh, giấy tiền vàng mã, cháo, muối,…
Cây nêu đã sẵn sàng để dựng – báo hiệu Tết về
Mọi người nhanh chóng dựng cây nêu
Gia cố phần gốc cho chắc chắn
Cây nêu cơ bản đã được dựng xong
Cây nêu vươn cao bên cạnh đình làng Dương Nỗ
Ngọn cây nêu được hướng về phía Đông - biểu thị cho sự khởi đầu mừng năm mới Quý Mão
Xuân Đạt