Vẻ đẹp lầu Ngũ Phụng

Theo ghi chép của sách “Đại Nam Nhất thống chí”, Ngọ Môn được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833), khi triều Nguyễn tổ chức quy hoạch lại toàn bộ mặt bằng kiến trúc Hoàng thành. Nguyên tại vị trí này trước đây là Nam Khuyết Đài, được xây dựng vào đầu thời vua Gia Long.

Về tổng thể, Ngọ Môn được chia làm hai phần chính gồm phần nền đài và lầu Ngũ Phụng. Phần nền đài có bình diện hình chữ U vuông góc, xây bằng gạch, đá kết hợp với các thanh dầm chịu lực bằng đồng thau. Đài cao gần 5m, diện tích chiếm đất hơn 1.560m2 (kể cả phần trong lòng chữ U). Thân đài trổ 5 cửa, trong đó cửa chính giữa là Ngọ Môn, cửa này chỉ dành cho vua đi. Hai cửa bên là Tả Giáp Môn và Hữu Giáp Môn, dành cho các quan văn, võ theo cùng trong đoàn ngự đạo. Hai cửa ngoài cùng nằm ở hai cánh chữ U được gọi là Tả Dịch Môn và Hữu Dịch Môn, dành cho binh lính và voi ngựa theo hầu.

Lầu Ngũ Phụng đặt ở phía trên đài, được tôn cao bởi một hệ thống nền cao 1,15m và cũng chạy suốt thân đài hình chữ U. Lầu có hai tầng, kết cấu bộ khung hoàn toàn bằng gỗ lim với 100 cây cột. Phần mái tầng dưới nối liền nhau, chạy vòng quanh để che cho phần hồi lang. Mái tầng trên chia thành 9 bộ. Trong đó, bộ mái chính giữa của lầu Ngũ Phụng lợp ngói ống màu vàng, tám bộ còn lại lợp ngói ống màu xanh. Phía trước chính giữa là hệ thống cửa thượng song hạ bản, xung quanh và phía sau nong ván, trên đó trổ nhiều cửa sổ với hình dáng rất phong phú và đa dạng như hình tròn, hình quạt, hình khánh… Các bờ nóc, bờ quyết, hồi mái được trang trí bằng nhiều chi tiết hoa văn tinh xảo.

Chính nhờ sự kết hợp, sắp đặt tài tình cộng với bàn tay khéo léo và đôi mắt thẩm mỹ cao của các nhà kiến trúc thời Nguyễn mà tổng thể Ngọ Môn tuy đồ sộ, nguy nga, nhưng lại không hề thô cứng, đơn điệu mà ngược lại rất mềm mại, tráng lệ.


Lối đi lên lầu Ngũ Phụng

Lầu Ngũ Phụng đặt ở phía trên đài, được tôn cao bởi một hệ thống nền cao 1,15m và cũng chạy suốt thân đài hình chữ U

Những hoa văn được sơn son thếp vàng làm nổi rõ vẻ đẹp của lầu Ngũ Phụng

Phía trên là những hình ảnh về con rồng được đắp nổi – linh vật tượng trưng cho vua chúa thời xưa

Từ lầu Ngũ Phụng nhìn ra là Kỳ Đài

Gian chính nằm phía trên cửa Ngọ Môn và hai cửa Giáp Môn tả, hữu được sơn son thiếp vàng, nhiều họa tiết trang trí trên cột gỗ là hình rồng. Hệ thống đèn lồng trang trí ở lầu Ngũ Phụng được chạm khắc rồng, phượng cách điệu

Lầu có hai tầng, kết cấu bộ khung hoàn toàn bằng gỗ lim với 100 cây cột. Phần mái tầng dưới nối liền nhau, chạy vòng quanh để che cho phần hồi lang

Một phần mái với ngói ống màu xanh

Bộ mái chính giữa của lầu Ngũ Phụng lợp ngói ống màu vàng. Phía trước chính giữa là hệ thống cửa thượng song hạ bản, xung quanh và phía sau nong ván, trên đó trổ nhiều cửa sổ với hình dáng rất phong phú và đa dạng như hình tròn, hình quạt, hình khánh…

Vẻ đẹp, nét uy nghiêm thể hiện trong từng nét chạm trổ

Một góc lầu Ngũ Phụng

Khung cảnh nguy nga, tráng lệ khi nhìn lầu Ngũ Phụng từ phía xa

Lầu Ngũ Phụng rực rỡ khi về đêm

Ngọ Môn tuy đồ sộ, nguy nga, nhưng lại không hề thô cứng, đơn điệu mà ngược lại rất mềm mại, tráng lệ

Khung cảnh huyền ảo rất riêng của Ngọ Môn – Đại nội Huế

Xuân Đạt