Người trẻ làm báo

Vượt lên nhiều khó khăn, những người trẻ làm báo vẫn đang nỗ lực hết sức để hoàn thiện mình và mang đến những bài viết tốt nhất. Người trẻ làm báo hiện nay có nhiều thế mạnh.

Đó là đang sống trong thời đại 4.0, điều kiện làm việc, tác nghiệp, phương tiện hành nghề ngày càng đầy đủ, hiện đại hơn so với trước. Mặt hạn chế là chưa đủ thời gian trải nghiệm xã hội, vốn sống, kinh nghiệm thực tiễn còn ít. Việc xử lý, sàng lọc thông tin nhiều chiều, trên mạng xã hội và trong thực tế có khi gặp khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng bài viết. Nói về điều này phóng viên Lê Minh –phòng Phát thanh và Thông tin Điện tử, Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Kinh nghiệm làm báo phải được tích lũy thời gian dài nên đây là điểm hạn chế đối với những phóng viên, nhà báo trẻ. Nhưng đối diện với những đề tài thì phóng viên trẻ sẽ có nhiều góc nhìn mới mẻ, mang tính hiện đại và đầy sáng tạo.”


Giải Bạc tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 2020 là thành công lớn nhất trong 7 năm gắn bó với nghề báo của PV Lê Minh

Công tác tại phòng Văn nghệ, Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế, phóng viên Phước Hạnh đã có nhiều trải nghiệm thú vị khi lên hình một số chương trình, có thể kể đến: “Văn hóa đời sống”, “Nhịp sống trẻ”, “Sắc màu thời trang”,… và có nhiều kỉ niệm đáng quý. “Làm nghề này đi rất nhiều nơi, đặc biệt là đi cơ sở ở những vùng sâu vùng xa, miền quê để làm phóng sự mang đến nhiều cảm xúc. Và mình thật sự mong muốn các phóng sự này được lên sóng để phản ánh nét sinh hoạt người dân một cách chân thực, sống động nhất, giúp cho đời sống mọi người được nâng lên. Đồng thời, nhờ những lần đi thực tế như vậy giúp bản thân ngày một nhiều kinh nghiệm, kỹ năng phục vụ tin bài thêm chất lượng”, PV Phước Hạnh vui vẻ bày tỏ.


PV Phước Hạnh trong một chương trình thực hiện tại trường quay Đài PT&TH Thừa Thiên Huế

Phóng viên Văn Dinh – báo Tài nguyên & Môi trường chia sẻ: “Những người trẻ làm báo ban đầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn, từ phát hiện đề tài, khai thác, thu thập tin tức, kỹ năng hành nghề, viết lách. Bài viết có thể bị phê bình, đánh giá non tay nhưng không nên lấy đó để buồn mà ngược lại phải cố gắng hơn, càng viết càng lên tay, tích luỹ nhiều kinh nghiệm.”

Cũng theo phóng viên Văn Dinh, nghề báo mang lại cho anh hàng trăm chuyến đi trong suốt 4 năm theo nghề báo. Tuy vất vả nhưng đó không chỉ là công việc bắt buộc của người làm báo mà còn mang đến niềm vui, sự hứng khởi để làm tốt công việc, nhiệm vụ được giao.


Các phóng viên trẻ với điều kiện làm việc, tác nghiệp, phương tiện hành nghề ngày càng đầy đủ, hiện đại hơn so với trước

Quan trọng hơn để khắc phục các mặt hạn chế, đáp ứng đòi hỏi trong thời đại mới, các phóng viên trẻ luôn nâng cao kiến thức mọi mặt, nhất là kiến thức chính trị, luật pháp, đi sâu vào thực tế cuộc sống để phát hiện, phản ánh cuộc sống, con người; không ngừng rèn luyện về nghiệp vụ để viết những tin bài chất lượng. Họ làm báo với thái độ cẩn trọng, chịu trách nhiệm với xã hội từng chữ, từng câu, từng tin bài,… Xã hội luôn tin yêu, trân quý những bài viết hay, lập luận hợp lý, thể hiện sự mới mẻ, nhạy bén về vấn đề mà phóng viên, nhà báo phản ánh. 

Phóng viên Lê Chung – báo điện tử Tổ quốc thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: “Những lần đi tác nghiệp tại cơ sở, từ va chạm thực tế thì những bài viết được ra đời và đáp ứng nhu cầu người đọc. Lúc đó, phóng viên trẻ như tôi cảm thấy hứng thú và say mê hơn với nghề mà mình đã chọn. Và việc tích luỹ kinh nghiệm, vốn sống, nâng cao kỹ năng làm nghề là điều mà tôi luôn cố gắng thực hiện. Mang lại cho người phóng viên không chỉ bản lĩnh mà còn đảm bảo chất lượng bài viết, thông tin trên mặt báo.”

Được biết, phóng viên Lê Chung có kinh nghiệm 5 năm làm báo, cộng tác với khá nhiều tờ báo. “Những kỷ niệm buồn vui trong nghề báo không thể nào nói hết. Tôi nghĩ rằng, phải biết nhìn nhận thực tế cuộc sống bằng sự khách quan, bằng chính niềm đam mê làm báo thì ngòi bút sẽ phát huy được tác dụng tích cực, phản ánh chân thực những vấn đề xã hội, đời sống con người”, phóng viên Lê Chung bày tỏ.


Các chương trình chất lượng thu hút đông đảo người nghe, người xem là niềm động viên, khích lệ đội ngũ làm báo, nhất là với các phóng viên trẻ tham gia thực hiện chương trình

Bên cạnh đó, những nhóm báo chí trên mạng xã hội được hình thành giúp cho các bạn trẻ yêu nghề báo được tiếp cận thông tin phong phú, từ đó vun đắp đam mê với nghiệp cầm bút. Phụ trách tại địa bàn miền Trung, phóng viên Nguyễn Do – báo điện tử Pháp luật TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Các phóng viên trẻ của các báo, đài luôn hỗ trợ nhau, đó là tinh thần đoàn kết đáng quý, không chỉ gặp gỡ, cùng sát cánh mà còn học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Dần dần mang đến những bạn bè, đồng nghiệp thân thiết đáng trân trọng.”

Thời gian làm việc của các phóng viên, nhà báo không tính bằng giờ hành chính, mà ở đâu xảy ra sự việc là ở đó phải có mặt của người phóng viên. Mỗi người đều có thể lựa chọn cho mình một con đường để đi đến thành công. Nhưng chắc chắn rằng nhiều phóng viên luôn chọn lựa lòng quyết tâm, tinh thần không ngại gian khó và niềm đam mê để gắn bó tha thiết với nghề báo.

Xuân Đạt