Festival Thơ Huế

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Festival bốn mùa và Ngày thơ Việt Nam, tối 15/02 (Rằm tháng Giêng Nhâm Dần), Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, Trung tâm BTDTCĐ Huế tổ chức chương trình Festival Thơ Huế với chủ đề “Thơ Huế và Di sản”. Đến dự có ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thi ca luôn có sức hút kỳ diệu với cuộc sống và cuộc sống lại hiện diện trong thi ca với tất cả những gì đầy cảm xúc nhất và tinh tuý nhất. Ở đâu con người tồn tại, thi ca luôn ở đó, thi ca sinh ra từ cuộc sống nhưng cao hơn cuộc sống vì nó là những phút thăng hoa cảm xúc của con người thổi hồn vào hiện thực, phản ảnh cuộc sống tươi đẹp và hấp dẫn hơn.

Festival Thơ Huế là một chương trình thi ca của thi sĩ xứ Huế qua các kỳ Festival Huế, hình thành từ năm 2004 đến nay đã 18 năm. Khi Festival qua đi, những chương trình hoành tráng và náo nhiệt qua đi, cái còn lại “thâm trầm sâu lắng đọng” là những bài thơ viết về Huế của những người yêu Huế. Như hai câu thơ của nhà thơ Thu Bồn: “Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”…


Festival Thơ Huế là một chương trình thi ca đặc sắc của thi sĩ xứ Huế qua các kỳ Festival Huế

Mở đầu Festival Thơ Huế, bài thơ “Nguyên Tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được ngâm lên:

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”.

(Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền)
(Bản dịch của Xuân Thuỷ)

Vào mùa xuân 1948, bài thơ “Nguyên Tiêu” của Bác Hồ đã đi vào lịch sử như một dấu son trong thơ ca cách mạng thời kháng chiến chống Pháp. Chính vì ảnh hưởng lớn của bài thơ bất hủ đó nên những năm gần đây Tết Nguyên tiêu của nước ta đã mang thêm một ý nghĩa mới vì ngày đó đã được đặt thành “Ngày thơ Việt Nam”.

Nhà thơ Thanh Hải đã viết bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” vào mùa xuân năm 1980. Bài thơ thể hiện một cảm xúc trong sáng, sâu lắng về ngày mới của đất nước, có sức gợi về văn hóa Huế. Bài thơ không những đã neo giữ trong lòng bạn đọc những rung động thẩm mỹ sâu sắc mà còn gây cảm hứng cho người nhạc sĩ với âm hưởng của của ngày mới. Bài thơ đã được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc, đây thật sự trở thành một sự tương tác hài hòa, đồng điệu của những tâm hồn:

“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc
Mùa xuân – ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế”


Các tiết mục được dàn dựng công phu do các nghệ sĩ thuộc Nhà hát nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế biểu diễn

Bài thơ “Thu chí” (Thu đến) của Nguyễn Du là một bài thơ nổi tiếng. Bài thơ này là một trong 39 bài trong “Nam Trung Tạp Ngâm”, viết trong thời kỳ ông làm quan ở Huế. Chính tứ thơ “Hương Giang nhất phiến nguyệt, kim cổ hứa đa sầu” (Một mảnh trăng trên dòng Hương Giang đã khơi dậy biết bao là nỗi sầu kim cổ) đã lay động bao trái tim người yêu Huế hàng trăm năm qua:

“Hương Giang nhất phiến nguyệt,
Kim cổ hứa đa sầu.
Vãng sự bi thanh trủng,
Tân thu đáo bạch đầu.
Hữu hình đồ dịch dịch,
Vô bệnh cố câu câu.
Hồi thủ Lam Giang phố,
Nhàn tâm tạ bạch âu.”

(Sông Hương một giải nguyệt cầm
Xưa nay khôn xiết trầm thâm nỗi sầu
Mồ xanh chuyện cũ thương đau
Thu vừa thấp thoáng mái đầu hoa râm
Mang hình hài khổ tấm thân
Người không bệnh tật lưng trần khom khom
Ngoảnh đầu trông bến sông Lam
Nhìn chim âu trắng lòng nhàn an nhiên.)

Vào mùa xuân, mỗi một nhà thơ đều có nhiều cảm xúc khác nhau về thiên nhiên, cảnh vật, con người. Riêng thi sĩ tài hoa Nguyễn Bính với bài thơ “Tết của mẹ tôi”, ông làm nên một kiệt tác về hội họa bằng thơ, với những nét tả chân qua 52 câu thơ, thi sĩ đã vẽ nên một hình tượng người mẹ rất chung của nhiều thế hệ:

“Xong ba ngày tết mẹ tôi lại
Đầu tắt mặt tối nuôi chồng con
Rồi một đôi khi người giậm gạo
Chuyện trò kể lại tuổi chân son.”

Nguyễn Khoa Điềm là thi sĩ nổi danh với bút họa cảnh sắc, địa danh qua trường ca “Mặt đường khát vọng” và hàng loạt những bài thơ khác từ thời dòng Hương Giang còn chìm trong khói lửa chiến tranh. Với bài thơ “Chiều Hương Giang”, Sông Hương - dòng sông di sản thêm một lần dìu dịu-trong suốt họa lên cảnh sắc thanh bình, tươi đẹp có giá trị thẩm mỹ và tính nhân bản sâu sắc. Bài thơ mang trong nó một cách nhìn lưỡng diện, ước lệ về không gian:

“Những buổi chiều, những buổi chiều quê hương,
Tôi đã sống và tôi chưa được sống,
Nhưng chiều nay, vô tình trong nắng muộn,
Mắt tôi nhìn trong suốt nước Hương Giang...”

Thi sĩ Đông Hồ (1906 - 1969) đã từng làm một bài thơ rất hay về Cố đô, đó là bài “Trong đôi mắt Huế”. Bài thơ có nhiều những hình ảnh quen thuộc, đặc trưng của vùng đất và con người xứ Huế: từ hình ảnh của sông, núi, đền đài đến hình ảnh của cung tần, nàng Tôn Nữ,.. Tất cả đều rất tự nhiên mà cuốn hút:

“Dòng nước sông Hương chảy lửng lờ
Ngàn thông núi Ngự đứng như mơ
Gió cầu vương áo nằng Tôn nữ
Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ”

Hơn 70 năm qua kể từ thời điểm sáng tác, đến nay, bài thơ “Trong đôi mắt Huế” vẫn ngân rung giữa lòng người.


Các chương trình thơ trong năm sẽ được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn gắn liền với Festival bốn mùa hứa hẹn mang đến những trải nghiệm văn hoá đầy thi vị cho người dân và du khách gần xa

Đặc biệt, chủ đề về mùa xuân trong thơ trên kiến trúc cung đình Huế mang những trường thẩm mỹ đậm dấu ấn thời đại. Hình ảnh bình minh của triều đại lại được ẩn dụ bằng những sắc màu của mùa xuân. Mùa xuân trong thơ là ẩn dụ cho một sức sống mới của một triều đại mới thể hiện qua ba bài thơ khắc trên Điện Thái Hoà qua bản dịch thơ của nhà thơ Nguyễn Phước Hải Trung.

“Thái bình tân chế độ            
Hiên khoát cựu quy mô                   
Văn vật thanh danh hội                   
Xuân phong mãn đế đô”                 

(Thái bình chế độ mới đây
Quy mô rộng mở dựng xây thuở nào
Văn vật nổi tiếng truyền trao
Gió xuân phủ kín rộng chào Kinh đô)

“Kim điện xuân phong chuyển       
Quỳnh giai thục khí quân                
Bán thiên  khai Thái vận       
Vạn quốc hữu đồng nhân”              

(Điện vàng chuyển động gió xuân
Bệ ngọc lại tỏa khí lành vút lên
Hiền tài mở vận tốt thêm
Đức nhân rộng khắp mọi miền nước xa)

“Xuân thủy nguyên lưu viễn
Xuân sơn khí tượng hùng
Đế vương hồi cựu chỉ
Nam Bắc nhập tân phong”              

(Dòng xuân bắt nhánh chốn xa
Non xuân hùng vĩ bao la khí trời
Đế vương dựng nghiệp rạng ngời
Nam Bắc liền dải muôn nơi xuân về)

Và còn rất nhiều bài thơ về mùa xuân được thể hiện tại đêm Festival Thơ có thể kể đến: “Xứ sở dịu dàng” – Phạm Tấn Hầu, “Chúa Sãi mười năm ở Phước Yên” – Phạm Nguyên Tường, “Mưa Huế” – Hồ Đắc Thiếu Anh, “Nữ sinh Đồng Khánh” – Mai Văn Hoan, “Tản mạn Huế” – Lê Tấn Quỳnh được các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế diễn ngâm với giọng truyền cảm, đi sâu vào lòng người xem.

Khép lại Festival Thơ Huế là giai điệu của bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao – “Mùa xuân đầu tiên” vang lên đầy da diết, nhẹ nhàng và ấm áp. Hình tượng cánh én báo hiệu xuân về chỉ được thấy ở trong thi ca và âm nhạc, đó là những cánh chim báo hiệu mùa xuân về được tác giả vẽ lên cùng với một khung cảnh rất đẹp:

“Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên…
…Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người.”

Trao đổi với ông Hồ Đăng Thanh Ngọc – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế cho biết: “Di sản Huế, bên cạnh những di sản vật thể do con người sáng tạo nên với hài hòa tuyệt đối với thiên nhiên là chủ đích tuyệt vời; di sản phi vật thể, cảnh sắc thiên nhiên hiền hòa của miền sông Hương núi Ngự; với không gian văn hóa Huế còn gìn giữ trong tà áo dài, trong chiếc nón bài thơ, trong lời ăn tiếng nói, trong giọng Huế dạ thưa, trong các món ẩm thực Huế như cơm hến, bánh bèo,… với những dấu ấn của một Huế hiện đại bên cạnh sự cổ kính kinh kỳ một thuở... Tất cả đã gợi niềm cảm hứng cho các thi nhân sáng tác.”

Được biết, Festival Thơ Huế không chỉ được đánh dấu bằng chương trình thơ này. Các chương trình thơ trong năm sẽ được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn gắn liền với Festival bốn mùa hứa hẹn mang đến những trải nghiệm văn hoá đầy thi vị cho người dân và du khách gần xa.

Xuân Đạt