Bánh ngũ sắc Kim Long

Vùng đất Kim Long (TP Huế) vốn nổi danh với bánh ngũ sắc (hay còn gọi là bánh in). Bánh ngũ sắc là thức bánh truyền thống được người Huế trước dành để cúng cho ông bà, sau là để mời khách trong những ngày Tết.

Cần biết thêm, tương truyền từ xa xưa, vào mỗi dịp Tết, người dân Kim Long lại làm ra những mẻ bánh ngọt dâng lên vua chúa triều Nguyễn. Loại bánh này được làm từ đậu xanh và đường, có vị ngọt, mùi thơm nên vua chúa rất thích; từ đó, món bánh ngũ sắc này còn được người dân gọi là bánh “tiến vua”.

Nằm trên đường Nguyễn Hoàng, cơ sở làm bánh của bà Mai Thị Hoa (60 tuổi, phường Kim Long, TP Huế) thêm rộn ràng bởi mọi người chuẩn bị Tết Nguyên Đán cùng với đó là âm thanh tiếng chày, máy giã bột và mùi thơm phức của đậu xanh. Loại bánh ngũ sắc đậu xanh có in hình chữ Thọ được cơ sở bà Hoa sản xuất phục vụ Tết với số lượng gần 200 gói (3.500 chiếc bánh/gói), giá thành bánh ngũ sắc rất rẻ, dao động từ 300 đồng đến 700 đồng/chiếc.

Để làm được món bánh này, người thợ phải qua các công đoạn: đãi đậu – hầm đậu - giã nhuyễn đậu - in bánh theo khuôn - sấy bánh - gói bánh bằng giấy bóng ngũ sắc. Đậu xanh, phải chọn kỹ từng hạt mẩy, tròn, đều nhau. Đãi vỏ đậu không được mạnh tay và phải vút từng chút một để đậu không bị nát.

Những năm trước, công việc làm bánh ngũ sắc khá vất vả khi các hộ dân làm bánh phải giã đậu xanh bằng tay, nhưng bây giờ đã có những máy móc hỗ trợ xay, giã bột nên năng suất và chất lượng của bánh trở nên ngon và đẹp mắt hơn.

Bà Mai Thị Hoa chia sẻ: “Tôi theo nghề hơn 30 năm, trước đó là ông cha đã làm rồi. Người dân mua về cúng vào dịp Tết nhiều nên tôi rất vui. Ngày xuân cũng thêm vui tươi, thư thái khi ngồi uống trà, ăn bánh in. Tính ra ở Kim Long nghề làm bánh in này được nhiều người theo, nhờ nghề này mà nhiều người có công ăn việc làm. Năm nay số lượng bánh có ít đi vì dịch, sản xuất số lượng lớn sợ không có nhiều người mua.”

Ngày Tết bánh in được người dân Huế bày biện cẩn thận, dâng cúng lên bàn thờ gia tiên. Họ xem đây là những thứ không thể thiếu trong ngày Tết. Mang tính trang trọng, ý nghĩa nên người làm bánh luôn vui vẻ gắn bó với nghề, lưu giữ giá trị truyền thống qua món bánh mà ông cha để lại.


Đậu xanh được làm mịn, nhuyễn

Nhờ có máy giã bột mà công việc của người thợ đỡ vất vả hơn

Ở gian nhà khác, một người thợ bắt đầu bỏ bột vào khuôn…

… và định hình bánh sao cho vuông vức, đẹp mắt

Bà Mai Thị Hoa (60 tuổi) xếp những chiếc bánh vào khay, phía dưới là bếp than để sấy cho bánh khô và cứng lại

Từng chiếc bánh in với chữ “Thọ” xếp ngay ngắn

Người thợ tỉ mẩn gói từng chiếc bánh

Bìa giấy bóng gói bánh được cắt vuông vức

Vì đã quen với công việc này nên người thợ nào cũng tay nhanh thoăn thoắt…

…Bởi phải kịp để giao hàng cho khách đặt

Mỗi người một công đoạn để cho ra chiếc bánh hoàn chỉnh

Bánh ngũ sắc là thứ không thể thiếu trên bàn thơ gia tiên mỗi dịp lễ, Tết

Xuân Đạt