Lưu giữ nghệ thuật làm diều ở Huế
Từ lâu, thú chơi diều ở Huế được biết đến như là nét văn hóa truyền thống. Những ngày này, tại Công viên Tứ Tượng, thành phố Huế đang diễn ra Lễ hội Diều Huế là dịp người dân và du khách chiêm ngưỡng những cánh diều bay đủ kiểu dáng, sắc màu bay lượn trên bầu trời để Cố đô Huế càng trở nên đẹp và rực rỡ hơn.
Góp mặt trong Lễ hội Diều Huế năm nay có Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Hoàng - Cơ sở sản xuất Diều nghệ thuật Cung Đình Huế, là 1 trong những địa chỉ uy tín để những ai muốn tìm hiểu về diều Huế.
Để tạo nên sản phẩm, tất cả các công đoạn đều được làm bằng tay rất công phu.
Hiện nay, các loại diều Huế chủ yếu được làm bằng khung tre, công đoạn vót tre là rất quan trọng. Để cho ra 1 sản phẩm đẹp mắt và tinh xảo để bay lên bầu trời cho khán giả thưởng lãm thì đòi hỏi ở bàn tay người nghệ nhân hay người làm diều phải khéo léo, tỉ mỉ, từ việc chọn và vót tre phải chính xác, cân chỉnh làm sao để thăng bằng. Sau đó, ghép các thanh tre lại, tạo khung theo hình con vật mà diều mô phỏng, rồi bôi hồ, bọc vải lên khung diều đã tạo. Cuối cùng là dùng sơn vẽ trang trí trên thân diều. Nghe thì tưởng chừng thật đơn giản, nhưng thực tế chỉ cần không làm đúng ở khâu nào thì diều không thể bay hoặc bay không ổn định.
Nhờ công đoạn tỉ mỉ này mà cánh diều khi bay lượn trên bầu trời có những đường nét mềm mại, uyển chuyển với nhiều chi tiết của hội họa và kiến trúc tạo nên bức tranh nghệ thuật rất đẹp mắt của những nghệ nhân Cố đô.
“Làm diều đã khó và để cho cánh diều bay được trên bầu trời càng khó khăn hơn. Ở đó, người chơi cần phải có kinh nghiệm như chọn khoảng không gian rộng lớn, thời tiết ổn định; có gió mạnh đều và không bị xoáy, cùng với đó là kỹ thuật thả thêm dây khi diều bị chao lượn, hoặc nhấp liên tục khi trời đứng gió”, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Hoàng chia sẻ.
Tận mắt thấy các công đoạn làm nên một con diều mới thấy, nghề chơi diều cũng lắm dày công, chị Nguyễn My (du khách đến từ TP Hồ Chí Minh) bộc bạch: “Tôi rất ấn tượng và cảm thấy thích thú ở Lễ hội diều này. Hôm nay tôi có dịp xem các nghệ nhân trình diễn cách làm diều thì mới thấy được tính công phu và khéo của người thợ. Tôi nghĩ, chỉ có đam mê thì mới có thể làm ra cũng như sáng tạo những mẫu mã diều quá đẹp mắt như thể này... Quá tuyệt!”.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Hoàng hướng dẫn các em học sinh trường Lý Thường Kiệt trải nghiệm cách làm diều.
Thả diều không chỉ là trò chơi dân gian gắn với tuổi thơ nhiều người, mà ngày nay môn nghệ thuật này không thể thiếu ở các lễ hội ở Huế. Ở mỗi cánh diều thường mô phỏng những hoa văn, họa tiết về cung đình như bóng dáng của rùa, rồng, phụng, bướm… Nghệ nhân làm diều có thể kết hợp kỹ thuật làm diều từ dân gian với sự kết hợp tìm tòi, sáng tạo như đưa hình ảnh con gái Huế với tà áo tím bay lượn trong gió, hay cầu Tràng Tiền bay trên không trung để quảng bá cho khách du lịch biết đến hình ảnh của Huế.
Nhiều mẫu mã diều đa dạng, phong phú thu hút du khách đến thưởng lãm.
Tham gia Lễ hội Diều Huế này, Cơ sở nghệ thuật Diều Cung Đình Huế đã đem đến hàng chục mẫu diều mang đậm nét đặc trưng truyền thống, tạo nên sự phong phú và đa dạng về mẫu mã, kích cỡ, màu sắc của xứ Huế nhằm quảng bá bản sắc văn hóa Huế đến du khách trong và ngoài nước.
Sau những cố gắng miệt mài, sáng tạo, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Hoàng đã đưa sản phẩm của mình đến các cuộc triển lãm và thi thố tài năng tại các kỳ Festival trong và ngoài nước được nhiều người quan tâm, đón nhận. Những sản phẩm diều của Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Hoàng cũng đã được Nhà thiết kế Minh Hạnh lấy ý tưởng từ họa tiết những cánh diều và hình tượng phụng, khéo léo đưa lên trình diễn bộ sưu tập áo dài khiến người xem thích thú bởi màu sắc và họa tiết đẹp...
Hoàng Hạnh