Thơ Thiền Việt Nam qua thư pháp chữ Hán

Hưởng ứng Tuần lễ thơ Thiền Việt Nam tại Huế, sáng 27/3, tại vườn Thiệu Phương - Đại Nội Huế, Trung tâm BTDT Cố đô Huế tổ chức triển lãm có chủ đề “Thơ Thiền Việt Nam qua thư pháp chữ Hán”. Đến dự có ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.

Triển lãm có 30 tác phẩm được trưng bày ở các dạng chất liệu như giấy dó, sơn mài, tổng hợp, sắp đặt. Đây cũng là lần đầu tiên có một cuộc triển lãm thư pháp chuyên biệt về thơ Thiền Việt Nam tại Huế. Xuất phát từ cảm hứng về di sản Thơ Thiền Việt Nam, hai tác giả thuộc Trung tâm BTDT Cố đô Huế là Nguyễn Phước Hải Trung và Võ Khắc Vãng đã thực hiện triển lãm này.


Lần đầu tiên có một cuộc triển lãm thư pháp chuyên biệt về thơ Thiền Việt Nam tại Huế

Các bức thư pháp với đầy đủ các kiểu viết cơ bản của chữ Hán là Chân, Thảo, Triện, Lệ, nhằm tạo sự sinh động về hình thức thư pháp tạo để có sự tương tác cần thiết giữa nội dung thơ và hình thức chữ, với mong muốn là tiếp tục truyền cảm hứng đối tới người thưởng lãm đối với di sản Thơ Thiền.


Bài thơ độc đáo của vua Thiệu Trị với chỉ 56 chữ nhưng có thể đọc thành 64 bài thơ thất ngôn bát cú, 64 bài thơ ngũ ngôn bát cú

Thiền Thi là dòng thơ thể hiện ý vị Thiền học, gắn với cảm xúc, truyền đạt sự cảm nhận thế giới của Thiền học, bộc lộ được vẻ đẹp của thế giới thiên nhiên, của tâm hồn trong mối tương hợp giữa khách thể và chủ thể sáng tạo.... Các tác phẩm Thi Kệ của các thiền sư được xem là nền tảng ban đầu của dòng văn học viết Việt Nam. Đại biểu cho các thi phẩm thơ thiền ấy phải kể đến các thiền sư thời Lý-Trần như Thiền sư Vạn Hạnh, Thiền sư Mãn Giác, Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông, Thiền sư Nhị tổ Pháp Loa, Tam tổ Huyền Quang,... cùng nhiều thế hệ tiếp nối đã viết lên những tác phẩm để đời cho hậu thế.

Xuân Đạt