“Thời tôi mặc áo lính” của Nguyễn Quang Hà

Chiều 23/4, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, Tạp chí Sông Hương tổ chức chương trình giới thiệu tuyển tập “Thời tôi mặc áo lính” của nhà văn Nguyễn Quang Hà.

Nhà văn Nguyễn Quang Hà trong cuộc đời cầm bút hơn 60 năm đã viết nhiều thể loại: báo chí, bút ký, thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết. Thể loại nào ông cũng để lại nhiều tác phẩm ấn tượng, xuất sắc. Hầu hết những tác phẩm của Nguyễn Quang Hà đều viết về chiến tranh, viết về miền đất và con người xứ Huế - nơi ông đã sống, chiến đấu thời tuổi trẻ và nơi ông chọn để sống đến cuối đời. Nhà văn Nguyễn Quang Hà được nhắc đến như một cây bút chủ lực viết về đề tài chiến tranh cách mạng của văn chương Việt Nam đương đại. Qua những trang tiểu thuyết của ông, thế hệ lớn lên sau chiến tranh càng hiểu thấu đáo về cuộc chiến tranh thống nhất đất nước đầy tự hào của dân tộc.


Nhà văn Nguyễn Quang Hà (bìa phải) nhận hoa chúc mừng từ bạn bè văn nghệ sĩ

Bộ tiểu thuyết “Thời tôi mặc áo lính” xuất bản tháng 4/2023 của nhà văn Nguyễn Quang Hà gồm 9 cuốn, viết về chiến tranh cách mạng từ năm 1967 đến năm 1975. Và hiện thực cuộc chiến đó được kể lại với bút pháp trần thuật, gần như là ghi chép lại chính cuộc sống thời chiến. Bởi vậy tiểu thuyết Nguyễn Quang Hà rất gần với thể loại bút ký, truyện ký.

Chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân rộng khắp, đa dạng như thế nào, thì các trang viết của Nguyễn Quang Hà đều soi tỏ đến đó. Hiện thực chiến tranh cách mạng trong tiểu thuyết của ông là hiện thực của cuộc chiến tranh khốc liệt, kẻ thù hiện lên đúng bản chất xâm lược, tham tàn. Bên cạnh đó, các nhân vật thuộc về nhân dân hiện lên bình dị, sống chí tình chí nghĩa, lạc quan, bao dung, độ lượng, với ý chí và niềm tin tất thắng. Hình ảnh các chiến sĩ cách mạng hiện lên là những người dũng cảm, gan dạ, thông minh, mưu trí, giàu lòng yêu nước, yêu thương đồng đội.

Thông qua ngòi bút đầy ắp chủ nghĩa nhân đạo, các chi tiết nghệ thuật và hiện thực nghiệt ngã của cuộc chiến, bằng những trải nghiệm và cái nhìn cá nhân, nhà văn Nguyễn Quang Hà đã tái hiện lại bao bi thương đau đớn của chiến tranh, phục dựng lại hình ảnh của những con người bằng sự chịu đựng và sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tinh thần bất khuất đó đã làm cho cuộc chiến thống nhất đất nước đi tới thắng lợi cuối cùng.

Xuân Đạt