Thu hoạch cá chép đỏ phục vụ Tết ông Công ông Táo
Theo tín ngưỡng văn hóa của người Việt, ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người dân thường cúng tiễn cá chép để đưa ông Công ông Táo cưỡi về trời báo cáo những công việc năm qua ở hạ giới. Để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp này, những hộ nuôi cá chép đỏ ở Hương Thủy đang tất bật thu hoạch những mẻ cá để tung ra thị trường đúng ngày Tết Táo Quân.
Nghề nuôi cá chép truyền thống ở Huế đã có từ lâu. Trước đây, người dân chủ yếu nuôi cá chép trắng để phục vụ nhu cầu tại địa phương. Sau này, nhận thấy tiềm năng từ các thị trường lớn bên ngoài nên nhiều chủ hồ cá đã đầu tư hồ, mở rộng quy mô nuôi cá chép đỏ để phục vụ cá Tết.
Ông Nguyễn Hoàng Cần, một hộ nuôi cá thâm niên ở Thủy Phương, Hương Thủy cho biết: “Năm nay, gia đình có gần 1ha mặt nước và thả đại trà hơn 5 vạn cá chép đỏ xuống ao, nuôi kết hợp với cá chép trắng truyền thống. Nuôi cá chép đỏ phải mất 3 tháng mới có thể xuất được. Đến thời điểm thu hoạch cá to khoảng 2 đầu ngón tay, đạt trọng lượng trung bình 25-30 con/kg”.
Đưa chúng tôi đến hồ cá đang thu hoạch, trước mắt là không khí làm việc của mọi người rất tất bật, hối hả; người nổ máy hút nước ra khỏi ao, người lấy lưới ví cá, chặn đất be bờ... để kéo những mẻ cá chép đỏ kịp giao cho thương lái đến lấy.
Tập trung nhân lực thu hoạch cá trong hồ.
Vừa nhanh tay xúc cá, ông Cần cho biết: “Cá chép đỏ được thả, chăm sóc từ khoảng tháng 9 âm lịch hàng năm. Việc chăm sóc cá phải hết sức cẩn thận, công phu để cá không bị dịch bệnh, khi bán cho thương lái đưa ra thị trường bán cho người dân cúng Tết ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cá chỉ vừa bằng hai đầu ngón tay, nhỏ xinh nhưng màu sắc phải đỏ tươi, rực rỡ”.
Chị Nguyễn Thị Thái - một thương lái cho biết: “Từ đầu tháng Chạp âm lịch đã phải gọi điện cho chủ cá để đặt hàng, khoảng 20-21 âm lịch khi chủ cá kéo lưới thì mình đưa xe ô tô đến, trên xe có đầy đủ thiết bị như hệ thống sục khí oxy... để vận chuyển cá đi tiêu thụ”.
Năm nay, do thời tiết mưa lạnh nên cá chậm phát triển hơn, sản lượng cá chép đỏ chỉ đạt 80% so với năm trước, nhưng giá cá cao hơn. Nếu như năm ngoái, giá 1 kg cá có 110.000 nghìn thì năm nay có giá 130.000 nghìn đồng/kg, vì thế người nuôi cá cũng thu nhập khá. Sau khi trừ hết chi phí cho lãi khoảng 15 triệu đồng trên mỗi hồ.
Sau khi kéo cá lên, gom lại để cân bán cho thương lái.
So với các giống cá truyền thống thì nuôi cá chép đỏ có nhiều ưu thế hơn như sức đề kháng tốt, ít mắc dịch bệnh, thức ăn đơn giản, ít tốn kém và thời gian nuôi ngắn nên nhanh cho thu hoạch, cho hiệu quả kinh tế cao hơn 1,5 - 2,5 lần so với cá truyền thống.
Có thể nói, nghề nuôi cá giống, đặc biệt là chép đỏ để bán cho người dân cúng ông Công ông Táo không chỉ đem nguồn hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân mà còn góp phần lưu giữ một nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt.
Hoàng Hạnh